Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

Đại biểu Quốc hội: Đếm số lượng vật nuôi như thế nào với đàn ong?

"Sẽ đếm số lượng vật nuôi như thế nào với đàn ong?", đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và cho rằng dự Luật Chăn nuôi nên quy định cụ thể đối với từng loài
Góp ý cho dự án Luật Chăn nuôi đang được thảo luận tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mục đích quan trọng của luật này là muốn tiến lên sản xuất lớn.
Về việc nhà nước có chính sách gì để tiến tới sản xuất lớn trong chăn nuôi, Thủ tướng cho rằng, sản xuất hiện nay vẫn chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ. Vấn đề quan trọng là quy hoạch chăn nuôi để phát huy thế mạnh so sánh từng khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc góp ý cho Luật Chăn nuôi trong phiên thảo luận tại tổ chiều 7/6. (Ảnh: Dân Việt)
Không đổi mới sẽ rất khó phát triển
Thủ tướng lưu ý đến công tác xúc tiến thương mại, đầu ra để giải quyết tình trạng dư thừa nông sản, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân chính khiến ngành chăn nuôi "lúc lên lúc xuống" là do thị trường không ổn định.
"Đơn cử như chăn nuôi lợn, năm ngoái giá rất thấp, nhưng năm nay giá tăng rất nhanh. Điều này liên quan nhiều đến công tác thị trường, đầu ra, phải làm sao phát triển tốt chăn nuôi để phục vụ thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu", Thủ tướng gợi ý.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ: Hiện nay xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi quá thấp, chủ yếu vẫn là rau quả. Phải có giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa, đặc biệt về lâu dài, vì tương lai ngành nông nghiệp bền vững, phải hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch, tăng chính ngạch. "Muốn làm được điều này thì Nhà nước phải ra tay, phải có cuộc cách mạng trong chăn nuôi, nếu không đổi mới sẽ rất khó khăn trong phát triển ngành này", Thủ tướng nói.
Người dân cần phải đăng ký số lượng vật nuôi để cơ quan chức năng làm tốt công tác dự báo thị trường. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý đến vấn đề đăng ký số lượng vật nuôi - điều đang gây tranh cãi trong Luật Chăn nuôi. Theo Thủ tướng, tuy việc đăng ký đối với người dân có vẻ phức tạp, hình thức, nhưng muốn quản lý tốt nền sản xuất lớn, muốn bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, có dự báo tốt về sản lượng, nhu cầu thì phải có đăng ký.
Đối với một nước chăn nuôi phát triển, bắt buộc phải có đăng ký số lượng vật nuôi, nhưng để thực hiện tốt điều này, cần cải cách thủ tục hành chính, tránh rườm rà, tạo thuận lợi hơn cho người dân, Thủ tướng nêu rõ.
Đếm số lượng vật nuôi thế nào với đàn ong?
Trong phiên thảo luận tại tổ chiều 7/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, việc quy định các nông hộ, chủ trang trại khi nuôi con gì phải đăng ký là rất cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho công tác thống kê, giúp người nuôi nắm được thông tin về quy mô tổng đàn, dự báo sản lượng…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (Ảnh: Quochoi.vn)

Tuy nhiên, bà Thanh góp ý, cần quy định rõ hơn về việc đăng ký số lượng vật nuôi để đảm bảo tính khả thi. "Chúng ta sẽ đếm số lượng vật nuôi như thế nào với đàn ong?", bà Thanh đặt câu hỏi, và cho rằng, dự Luật Chăn nuôi nên quy định cụ thể hơn đối với từng loài.

can co cuoc cach mang trong chan nuoi hinh 4
Rất khó xác định được số lượng đàn ong. (Ảnh minh họa: KT)
Dự án Luật Chăn nuôi được xây dựng gồm 8 chương với 65 điều quy định về quản lý các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi động vật cảnh và động vật bán hoang dã gây nuôi; xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; trách nhiệm quản lý nhà nước về chăn nuôi.
Dự luật này được cho là cần thiết phải ban hành nhằm góp phần từng bước xoá bỏ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, hướng tới phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hiện đại, chăn nuôi sạch, chăn nuôi theo chuỗi và ổn định đầu ra, chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét