Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

Giá tôm toàn cầu đang giảm

Giá tôm nuôi trên thị trường thế giới liên tiếp giảm sâu và dường như đã chạm đáy do tồn trữ ở Mỹ cao và nhiều nước châu Á tăng sản lượng ngay từ đầu vụ.
Người nuôi thu hoạch sớm, đa phần ở cỡ tôm 70-100 con/kg, để tiếp tục cải tạo ao, thả nuôi vụ tôm mới. Trong khi đó tại Mỹ, tồn kho ở mức cao sau khi lượng nhập khẩu tăng 10% vào năm ngoái. Trong tháng 2/2018, nhập khẩu tôm vào Mỹ tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2002 là thời điểm thị trường tôm chạm đáy, và hiện đang gần chạm mức đó. Giá tôm tại Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc đồng loạt giảm.
Giá tôm Ấn Độ liên tục giảm do phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ, đặc biệt là sản phẩm tôm nguyên liệu giao ngay. Ông Subbu Rajan, đại diện công ty đóng gói tôm của Ấn Độ, VV Marine Products, cho hay "Khoảng cuối tháng 2, cả giá tôm xuất khẩu và giá tôm nguyên liệu đều giảm". Giá tôm chân trắng cỡ 50 con, nguyên đầu và vỏ giảm xuống 270-280 rupee/kg (4,04-4,20 USD/kg). Mức giá này thấp hơn chi phí sản xuất. Hầu hết người nuôi tôm ở Andhra Pradesh và Orissa bị lỗ từ 20-30 rupee/kg trong vụ nuôi đầu tiên, ông S. G. Nair giám đốc công ty đóng gói tôm Forstar cho biết. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu tập trung chế biến tôm nhằm nâng cao giá trị gia tăng thay vì bán tôm nguyên liệu thì sẽ bớt lỗ.
Giá tôm Việt Nam cũng giảm theo xu hướng chung trên thị trường thế giới và bởi vụ thu hoạch chính đầu tiên trong năm đạt sản lượng cao. Giá bán tôm chân trắng tại đầm quý 1/2018 giảm 15% so quý 4/2017 và giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 4/2018, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 60 - 70 con/kg giảm 10.000 - 20.000 đồng/kg so với tháng 3 xuống 110.000 - 120.000 đồng/kg. Tôm cỡ 100 - 110 con/kg giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg xuống 85.000 - 90.000 đồng/kg. Không chỉ tôm Việt Nam, xuất khẩu tôm từ Ấn Độ và Ecuador qua Việt Nam sang Trung Quốc cũng bị giảm mạnh.
Trong bối cảnh giá tôm liên tục giảm, nhiều hộ nuôi tôm lo ngại giá tôm tiếp tục giảm nên tăng cường thu hoạch. Đồng thời, tôm thẻ chân trắng năm nay phát triển rất chậm, giá biến động liên tục, người nuôi thu hoạch sớm (đa phần ở cỡ tôm 70-100 con/kg) để tiếp tục cải tạo ao, thả nuôi vụ tôm mới.
Sản lượng tôm nước lợ ước đạt 119.800 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng tôm sú ước đạt 56.900 tấn, sản lượng tôm thẻ ước đạt 62.900 tấn. Riêng vùng ĐBSCL sản lượng tôm sú ước đạt 46.700 tấn, tăng 1%; sản lượng tôm thẻ ước đạt 51.500 tấn, tăng 28 % so với cùng kỳ năm 2017.
Giá tôm Indonesia ở mức đạt 4,89-5,04 USD/kg đối với tôm chân trắng HOSO cỡ 50 con. Người nuôi Indonesia có thể giảm lượng thả nuôi do giá thấp. Họ có thể thả nuôi chậm hơn một tháng hoặc giảm mật độ thả nuôi. Công ty xuất khẩu tôm Central Proteina Prima cũng đang gặp khó khăn khi giá tôm thế giới gần chạm đáy. Theo Giám đốc công ty này ông Arianto Yohan, các nhà nhập khẩu Mỹ đang yêu cầu giảm giá 10-20%. Năm ngoái, Indonesia là nhà cung cấp tôm lớn thứ hai của Mỹ, đứng sau Ấn Độ. Điều này đồng nghĩa các nhà cung cấp khác cũng phải điều chỉnh theo giá Ấn Độ.

Giá tôm chân trắng Thái Lan trung bình loại 80 con/kg giảm xuống 135 baht (3,17 USD)/kg. Sản lượng tôm lớn ngay từ đầu vụ thu hoạch đồng nghĩa với nhu cầu dự trữ tôm trong vụ sắp tới sẽ giảm. Sản lượng tôm của Thái Lan năm 2018 ban đầu được dự báo sẽ đạt khoảng 350.000 tấn nay được điều chỉnh xuống còn hơn 300.000 tấn. Công ty chuyên kinh doanh sản phẩm tôm đông lạnh Gulkin cho hay sản lượng tôm cỡ nhỏ ngày càng nhiều do nông dân thu hoạch sớm trước nguy cơ giá tôm sẽ tiếp tục giảm. Đặc biệt tại Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, lượng tôm cỡ nhỏ càng nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét