Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

Dấu hiệu này cho thấy chăn nuôi heo nhỏ lẻ ở Việt Nam sắp hết thời?

Sau đợt khủng hoảng giá heo vào năm ngoái và việc giá heo liên tục tăng như hiện nay, chính là bước ngoặt tạo nên quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo theo hướng tập trung thành quy mô lớn. Trong tương lai, mô hình chăn nuôi heo nhỏ lẻ cũng suy yếu dần.
Lãi lớn nhưng dân không dám tái đàn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), giá heo hơi trong tháng 7 vẫn chưa hết "sốt" khi tiếp tục tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg so với tháng 6 lên 56.000 đồng/kg, mức đỉnh 3 năm. Thậm chí so với năm ngoái, ngưỡng giá này cao gấp 2 lần.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi cho biết, tình trạng thiếu hụt nguồn cung nội địa kéo dài từ tháng 4 đến nay trong khi nhu cầu thịt heo tăng trưởng tốt là những nguyên chính khiến giá heo liên tục tăng thời gian qua.
dau hieu nay cho thay chan nuoi heo nho le o viet nam sap het thoi
Thời đại chăn nuôi heo nhỏ lẻ sắp kết thúc?
Điều này thể hiện rõ trong số liệu nhập khẩu thịt heo Việt Nam trong tháng 6 tăng mạnh. Cụ thể, theo Cục xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 6, lượng thịt heo nhập khẩu đạt 678 tấn, trị giá 1,03 triệu USD, tăng 50,4% về lượng và tăng 50,7% về trị giá so với tháng 5.
"Giá thành chăn nuôi heo hiện nay là 35.000 đồng/kg. Như vậy, với mức giá 56.000 đồng/kg, người dân đang lãi 11.000 đồng/kg", ông Vang thông tin.
Tuy nhiên, ông Vang nói thêm sau đợt khủng hoảng giá heo năm ngoái, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bán hết heo, chỉ còn những doanh nghiệp lớn, nhiều vốn tiếp tục giữ để heo tăng. Tổng số heo của Việt Nam trung bình một năm là 27 triệu con. Trong đó, số heo của Công ty CP là 2,8 triệu con, các doanh nghiệp FDI khác là 4 triệu con, lượng heo của người dân và các doanh nghiệp chăn nuôi nội địa đạt trên 20 triệu con.
Theo ông Vang, nhiều người chăn nuôi vẫn tỏ ra lo ngại nếu tái đàn thời điểm này năm sau giá heo có thể sẽ tiếp tục đi xuống.
"Từ nay đến cuối năm, khả năng người dân tái đàn là rất ít. Mức giá heo sẽ giao động phổ biến trong khoảng 45.000 - 55.000 đồng/kg", ông Vang nói.
Người nuôi heo đã "kiệt quệ" sau cơn bão giá
Mức giá này có lợi cho người còn heo để bán, cụ thể là những doanh nghiệp lớn còn heo để bán hoặc những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng có nhiều vốn để trụ lại trong cơn bão giá. Phần lớn các hộ nuôi heo nhỏ lẻ khác đã "kiệt quệ" sau cơn bão giá năm 2017, không còn vốn để tái đàn. Trong khi đó, giá heo giống hiện nay vẫn đang ở mức cao, có lúc lên tới 1,4 triệu đồng/con loại 7 - 10kg.
"Nếu tái đàn thì phải một năm nữa mới có thể xuất chuồng. Trong một năm đó, không ai có thể biết chắc được điều gì có thể xảy ra. Với mức giá 56.000 đồng/kg như hiện nay là rất tốt. Nhưng liệu rằng đến năm 2019 có còn giữ được mức giá này hay không? Đây vẫn còn là câu hỏi lớn", Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, ông Nguyễn Kim Đoán nhận định.
Ông Đoán nói thêm sau đợt khủng hoảng giá heo vào năm ngoái và việc giá heo liên tục tăng như hiện nay chính là bước ngoặt hình thành nên quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo theo hướng tập trung thành quy mô lớn.
Một số doanh nghiệp lớn như Hòa Phát... Đang tham gia chuỗi chăn nuôi heo công nghiệp. Với xu hướng tái cơ cấu này, cơ hội dành cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là không nhiều. Ông Đoán tái khẳng định đây không phải là cơ hội tốt để người dân tái đàn. Trong tương lai, mô hình chăn nuôi heo nhỏ lẻ cũng suy yếu dần.
Hơn nữa hiện nay, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu thị heo theo đường chính ngạch. Cụ thể, hồi cuối tháng 5, container thịt heo đầu tiên của Tập đoàn Mavin đã cập cảng Yagoon (Myanmar) và đã được đơn vị nhập khẩu thực hiện việc thông quan, kiểm dịch thành công. Việc nuôi heo theo quy mô lớn và theo chuỗi sẽ giúp đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu sang các nước hơn là hình thức nuôi nhỏ lẻ do được đầu tư công nghệ.
Kịch bản khủng hoảng giá heo tiếp diễn?
Hiện nay, giá heo Trung Quốc khoảng 46.000 đồng/kg, tức là thấp hơn tới 10.000 đồng/kg so với giá heo Việt Nam. Kèm theo đó, trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang căng thẳng, Trung Quốc áp mức thuế "khủng" 25% lên thịt heo nhập khẩu từ Mỹ khiến ngành chăn nuôi heo Mỹ "lao đao" và tìm đường xuất khẩu sang nước khác. Ông Đoán nhận định: "Hai yếu tố này cũng đủ cho thấy khả năng thịt heo Mỹ và Trung Quốc có thể tràn về Việt Nam khiến giá heo trong nước lao dốc thêm lần nữa".
Ông Đoán cho rằng, một trong những biện pháp có thể xét tới nhằm ngăn chặn nguy cơ này là dựng lên hàng rào về kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu Việt Nam nâng hàng rào kỹ thuật quá cao thì các nước cũng sẽ có động thái tương tự và Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái "tự trói mình".
Do đó, nếu trường hợp xấu thị heo Mỹ và Trung Quốc tràn vào Việt Nam, các nhà sản xuất, phân phối thịt heo trong nước cần tính toán kỹ lưỡng mức giá hợp lý để cạnh tranh lại.
Mặc dù vậy, đây được coi là thách thức lớn khi giá thịt heo Việt Nam được đánh giá cao nhất thế giới. Việc chăn nuôi quy mô lớn và đầu tư công nghệ sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng suất trong khi giá thành hạ xuống, giúp giá bán thịt heo trở nên cạnh tranh hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét