Việc đồng USD tăng mạnh và dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng cao khiếu giá dầu đi xuống trong tuần qua với giá dầu WTI sụt 2,5% và dầu Brent mất 1,3%.
Chốt phiên giao dịch ngày 17/8, giá dầu tăng nhưng vẫn ghi nhận tuần sụt giảm thứ 3 liên tiếp, sau khi dữ liệu hồi đầu tuần cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ bất ngờ nhảy vọt cùng với đà tăng mạnh của đồng USD đã làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng nhu cầu dầu.
Trong phiên giao dịch ngày 13/8, giá dầu đi xuống trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và EU đe dọa đến triển vọng nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Thị trường dầu thế giới cũng chịu áp lực giảm giá do sự bất ổn kinh tế tại các thị trường mới nổi do cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ làm lu mờ triển vọng tăng trưởng nhu cầu năng lượng.
Giá dầu giảm tuần thứ 3 liên tiếp. Ảnh: AFP
Kết thúc phiên giao dịch 14/8, giá dầu thế giới tiếp tục giảm do chịu sức ép từ đồng USD đang mạnh lên, trong khi nhà đầu tư vẫn lo ngại về cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Giá hai loại dầu Brent và ngọt nhẹ WTI (của Mỹ) đều đi xuống sau số liệu từ Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô Mỹ đã bất ngờ tăng thêm 3,7 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược so với dự báo giảm 2,5 triệu thùng mà các chuyên gia phân tích đưa ra trước đó.
Sang ngày 15/8, các hợp đồng dầu thô tương lai giảm mạnh, trong đó dầu ngọt nhẹ WTI đóng cửa ở mức thấp nhất trong 10 tuần khi lượng dự trữ dầu thô tại Mỹ bất ngờ tăng vọt. Ngày 15/8, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của nước này tăng lên 6,8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 10/8, cao hơn dự báo tăng 3,7 triệu thùng của Viện Dầu mỏ Mỹ (API). Số liệu này trái ngược hoàn toàn với dự báo của các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts là sẽ giảm 2,4 triệu thùng.
Ngoài ra, mối lo khủng hoảng tiền tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ và khả năng lây lan của cuộc khủng hoảng đó có thể tác động đến tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu dầu thô. Đồng USD tiếp tục tăng mạnh cũng gây áp lực lên giá "vàng đen".
Giá dầu phục hồi trong ngày 16/8 sau 3 phiên giảm liên tục do nhận được yếu tố hỗ trợ từ việc Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại vòng đàm phán thương mại vào cuối tháng này.
Sang phiên giao dịch ngày 17/8, dầu thô tiếp tục tăng giá nhờ thông tin tích cực rằng Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị nối lại các vòng đàm phán thương mại vào tuần tới, mặc dù kỳ vọng về một sự đột phá vẫn ở mức thấp.
Kết thúc phiên này, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex tiến 45 xu (tương đương 0,7%) lên 65,91 USD/thùng, nhưng vẫn sụt 2,5% trong tuần qua.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 tăng 40 xu Mỹ (tương đương 0,6%) lên 71,83 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã giảm 1,3%.
Cả 2 mặt hàng dầu chính này đều đánh dấu 3 tuần sụt giảm liên tiếp.
Naeem Aslam, Giám đốc phân tích thị trường tại Think Markets, cho biết: "Không có nhiều hy vọng cho đà leo dốc của giá dầu, đặc biệt khi dữ liệu từ EIA cho thấy nguồn cung đã tăng trở lại".
Giá dầu trong phiên này đã không phản ứng nhiều với dữ liệu về số giàn khoan dầu tại Mỹ. Cụ thể, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ không thay đổi ở mức 869 giàn trong tuần này.
Trong khi đó, những lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực lan rộng đến các thị trường mới nổi từ cuộc khủng hoảng tiền tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng dẫn đến biến động từ chứng khoán đến các thị trường hàng hóa trong tuần này, dẫn đầu là đợt bán tháo của các kim loại công nghiệp.
Chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã vọt lên đỉnh 14 tháng vào đầu tuần này do nhà đầu tư lựa chọn đồng tiền này làm kênh trú ẩn an toàn.
Theo Eugen Weinberg, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Commerzbank, hiện thị trường dầu mỏ vẫn lo ngại rằng tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, có thể ảnh hưởng tới triển vọng nhu cầu dầu trên toàn cầu.
Trong khi đó, theo ông Weinberg về mặt nguồn cung, sản lượng dầu tại Libya được dự đoán sẽ tăng trở lại mức hơn 1 triệu thùng/ngày lần đầu tiên kể từ tháng 6 do sản lượng tại mỏ dầu lớn nhất của nước này đã trở lại mức bình thường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét