Một nghiên cứu mới đây cho thấy người tiêu dùng Việt Nam có nhiều khả năng phải trả nhiều hơn để mua gạo được sản xuất theo hướng bền vững.
Theo đó, nghiên cứu đã thử nghiệm phản ứng của người tiêu dùng đô thị Việt Nam đối với các nhãn hiệu sản xuất bền vững gạo. Thông qua các thí nghiệm hành vi có thể thấy, chúng khuyến khích người tiêu dùng sẵn lòng chi trả gạo được sản xuất và dán nhãn theo tiêu chuẩn sản xuất bền vững quốc gia "VietGAP" tại các siêu thị tại thành phố Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét các điều kiện khiến người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều hơn cho gạo bền vững được chứng nhận.
Họ nhận thấy, người tiêu dùng Việt sẵn sàng trả thêm 9% cho gạo được chứng nhận sản xuất bền vững so với giá gạo thường. Khoản tăng thêm này thậm chí còn lên đến 33% khi được thông báo về nhãn sản phẩm được sản xuất bền vững có nghĩa là gì và chính xác gạo được sản xuất ở đâu.
Những người tiêu dùng tự cho rằng mình là người có ý thức về môi trường và sức khỏe có khuynh hướng phản ứng mạnh nhất với các nhãn mác sản xuất bền vững.
Ảnh: IRRI
Theo Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, có một nhu cầu cấp bách đối với Việt Nam để thúc đẩy canh tác lúa bền vững.
"Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với những thách thức môi trường nghiêm trọng do lạm dụng hóa chất nông nghiệp trong sản xuất lúa gạo", ông Matty Demont, chuyên gia kinh tế cấp cao của IRRI cho biết.
"Những lo ngại về an toàn thực phẩm gần đây có thể đã thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam về chứng nhận sản xuất bền vững trong nông nghiệp".
Nghiên cứu cũng vạch ra lộ trình cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam trong việc tái cấu trúc liên tục ngành lúa gạo trong nước nhằm nâng cao tính bền vững, uy tín và chất lượng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nghiên cứu được các nhà nghiên cứu từ IRRI, Đại học Huế, và Đại học Ghent thực hiện và được xuất bản trong Food Policy, một tạp chí quốc tế về kinh tế nông nghiệp.
IRRI cho biết, họ chủ động tham gia với các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp toàn cầu, doanh nghiệp thực phẩm nông nghiệp, khu vực công và các tổ chức xã hội dân sự nhằm cung cấp chính sách và thiết lập các tiêu chuẩn để chuyển đổi sản xuất và tiếp thị thực phẩm. Đây là một phần trong việc thiết lập các tiêu chuẩn gạo bền vững thông qua nền tảng lúa gạo bền vững do Liên Hợp Quốc tổ chức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét