Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Vì sao bà Nguyễn Thanh Phượng thoái vốn ngay trước khi VCSC chào sàn?

Kết thúc phiên giao dịch chào sàn 7/7, mã VCI của VCSC "đóng trần" 57.600 đồng/cổ phiếu. Với 5 triệu cổ phiếu, như vậy bà Nguyễn Thanh Phượng - con gái nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - đang có 288 tỷ đồng.
Ngay trước thềm Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC-mã VCI) lên sàn, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Phượng đã không còn là cổ đông lớn.
Bà Nguyễn Thanh Phượng không còn là cổ đông lớn của VCSC
Đã có một "lộ trình" thoái vốn
Công ty CP Chứng khoán Bản Việt được bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sáng lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2007 với vốn điều lệ ban đầu là 360 tỷ đồng.
Chỉ ba năm sau, VCSC đã lọt vào Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất 6 tháng cuối năm 2010 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) và 10 năm sau, đã đứng vào Top 3 công ty chứng khoán có thị phần giá trị giao dịch môi giới lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2017.
Khi bản cáo bạch của VCSC được công bố, giới đầu tư xôn xao với thông tin bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT VCSC chỉ còn nắm giữ hơn 5 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 4,84% vốn điều lệ. Qua đó, bà không còn là cổ đông lớn VCSC.
Tuy nhiên, nếu đặt trong cả tiến trình, động thái này lại không quá lạ. Bởi từ lúc thành lập VCSC với tổng sở hữu cổ phần lên đến 58% (trực tiếp 41% và gián tiếp thông qua Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt – Nguồn: Vietnam Finance), báo cáo tình hình quản trị 2012 cho thấy số lượng cổ phiếu bà Phượng và Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) nắm giữ đã giảm xuống lần lượt là 4,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 11,48% và 4,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 10,96%.
Theo Báo cáo Quản trị 2015, Ngân hàng TMCP Bản Việt đã giảm tỷ lệ sở hữu tại VCSC từ 7% xuống còn 0% sau hai năm liên tục thoái vốn.
Hiện tại, bà Phượng và chồng là ông Nguyễn Bảo Hoàng vẫn là Thành viên HĐQT VCSC, nhưng không còn tham gia điều hành.
Cán cân quyền lực có vẻ đang nghiêng về ông Tô Hải – CEO của VCSC. Trong bản cáo bạch của VCSC, ông Tô Hải và gia đình nắm tổng cộng gần 24 triệu cổ phiếu, tương đương với 23,13% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Rút khỏi VCSC, bà Phượng còn gì?
Tính ra, bà Nguyễn Thanh Phượng hiện là Chủ tịch HĐQT của 3 công ty. Đó là VCSC, Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Bản Việt (VCAM) và Công ty Bất động sản Bản Việt. Bà cũng từng có thời gian là Chủ tịch HĐQT Viet Capital Bank.
Tiền thân Viet Capital Bank là Ngân hàng TMCP Gia Định (GiaDinhBank). GiaDinhBank từng phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) là công ty tư vấn phát hành.
Theo nguồn tin từ Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một nhóm cổ đông đã mua với tỷ lệ tối thiểu là 30% vốn điều lệ Gia Định từ tay Vietcombank, cổ đông lớn nhất của Ngân hàng.
Trong khoảng thời gian này, Ngân hàng TMCP Gia Định được đổi tên thành ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) và bà Nguyễn Thanh Phượng, lúc đó là Chủ tịch HĐQT VCSC, được bầu làm thành viên HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2010 – 2014 vào đầu năm 2012. Ngay trong tháng 2 cùng năm, bà đã nhanh chóng trở thành Chủ tịch HĐQT Viet Capital Bank.
Ngoài ra, bà còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Bản Việt (VCAM). Được biết, vào tháng 11/2011, ông Trần Bảo Toàn đã chuyển nhượng số cổ phần chiếm hơn 16% vốn điều lệ của công ty cho bà Phượng. Qua đó, bà đã nắm gần 6,5 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 43% cổ phần VCAM.
Cho đến tháng 8/2013, bà đã chuyển nhượng 1,65 triệu cổ phần, tương ứng 11% cổ phần tại VCAM sang Viet Capital Bank.
Chồng bà là ông Nguyễn Bảo Hoàng (Henry) cũng là Thành viên HĐQT VCAM.
VCSC và thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG
VCSC của bà Phượng được biết đến là "bà đỡ" của hàng loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) "hàng khủng". Điển hình là thương vụ MobiFone mua AVG.
Trả lời ICTnews, ông Lê Nam Trà, thời điểm đó là Chủ tịch MobiFone cho biết, trước đó, MobiFone đã làm việc với đơn vị tư vấn trước đây là Credit Suisse - Thuỵ Sỹ để tư vấn cổ phần hóa cho MobiFone. Tuy nhiên, mức phí tư vấn để tiến hành cổ phần hóa quá cao nên việc thương thảo với Credit Suisse đã không thành.
"Sau khi thương thảo với Credit Suisse đã không thành, chúng tôi đã nghiên cứu và lựa chọn Công ty Chứng khoán Bản Việt tư vấn cổ phần hóa MobiFone. Công ty Chứng khoán Bản Việt không phải là lần đầu tiên tham gia tư vấn cố phần hóa MobiFone, công ty này đã là đối tác bản địa của Credit Suisse, trong quá trình tiến hành tư vấn cổ phần hóa cho MobiFone" - ông Lê Nam Trà nói.
Tại thời điểm năm 2006, khi Chính phủ công bố sẽ cổ phần hóa MobiFone thì đã có 9 tập đoàn tài chính, ngân hàng nước ngoài đó là Credit Suisse (Thuỵ Sỹ), Deutsche Bank (Đức), Goldman Sachs (Mỹ), Morgan Stanley (Mỹ), Rothschild (Đức) và UBS (Mỹ)... Nộp hồ sơ thầu tư vấn về cổ phần hoá cho MobiFone. Như vậy, VCSC đã "hạ gục" cả 9 "người khổng lồ".
Tuy nhiên, tháng 9/2016, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra toàn diện dự án MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Mới đây, hôm 7/6, bản thân ông Lê Nam Trà đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch MobiFone. Theo báo cáo quyết toán quý II/2016 của MobiFone, tổng công ty này đã chi tổng cộng 8.889 tỷ đồng mua 95% cổ phần của AVG, tương đương khoảng 400 triệu USD.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, mã VCI của VCSC "đóng trần" 57.600 đồng/cổ phiếu với tổng khối lượng giao dịch 114.260 đơn vị. Trên bảng điện tử, dư bán trống trơn trong khi dư mua trần lên tới 1,2 triệu đơn vị.
Với 5 triệu cổ phiếu, như vậy bà Phượng đang có 288 tỷ đồng. Phải chăng chính việc phải công khai tài sản là yếu tố khiến những người như bà Phượng không muốn đứng tên giữ nhiều cổ phần trong một công ty niêm yết?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét